Tại sao chó không được phép vào nhà thờ, nhưng mèo thì được?
- “Thưa cha, tại sao chó bị xem là "ô uế" và không được vào thánh đường, còn mèo thì có thể?”
Câu hỏi của một thiếu niên được gửi đến Cha Alexander Elatomtsev, linh mục Chính thống tại quận Istra, tỉnh Moskva.
— Khi bước vào tuổi thiếu niên, những trăn trở về đức tin trong lòng các em chẳng hề ít hơn so với thời thơ ấu, nhưng các em lại thường e ngại chẳng dám tỏ bày. Chính vì vậy, mỗi một câu hỏi được cất lên đều trở nên vô cùng quý giá —
Lời giải đáp từ Cha Alexander Elatomtsev:
“Chào con, đằng sau câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại ẩn chứa những vấn đề rất sâu sắc, không chỉ về chó và mèo, mà còn chạm đến những góc cạnh của tâm hồn con người.
Nhưng trước hết, hãy cùng nói về loài chó. Theo Kinh Cựu Ước, người xưa có thông lệ phân chia động vật thành hai loại: "thanh sạch" và "ô uế". Những loài "ô uế" thường là những loài có tập tính có thể gây ảnh hưởng không tốt đến con người. Loài chó bị xếp vào nhóm này bởi một lẽ rất tự nhiên: chúng không thể kiểm soát được nhu cầu bản năng của mình. Khi cần, chúng sẽ giải quyết ngay tại chỗ.
Nếu để một chú chó vào trong thánh đường, nơi vốn cần sự trang nghiêm và thanh sạch, nó có thể làm vấy bẩn không gian linh thiêng. Khi ấy, làm sao tâm trí chúng ta có thể tập trung cầu nguyện, làm sao buổi lễ có thể tiếp tục? Vì lẽ đó, người ta không cho chó vào. Nếu có một chú chó vô tình chạy lạc vào, nhà thờ sẽ cần được làm phép thanh tẩy lại bằng cách rảy nước thánh.
Vậy tại sao loài mèo lại được ưu ái hơn?
“Người xưa có thái độ đối với thú cưng khác chúng ta bây giờ, họ không đặt nhiều tình cảm vào động vật, chúng được nuôi để sử dụng vào nhu cầu thực tế.”
Thực ra, nếu xét vấn đều này một cách nghiêm ngặt, ngày nay cả mèo cũng không còn được tự do ra vào nhà thờ nữa. Nhưng trong quá khứ, chúng được chào đón vì một nhu cầu rất thực tế: để đối phó với lũ chuột. Con hãy tưởng tượng, nếu bọn chuột làm ổ trong nhà thờ, chúng sẽ gặm bánh lễ, thậm chí có thể leo lên bàn thánh và ăn mất cả Bánh Thánh đã được chuẩn bị cho Phụng vụ. Để ngăn chặn điều này, những chú mèo đã trở thành những người bảo vệ thầm lặng. Chúng được cho vào không phải vì chúng "tốt" hơn chó, mà vì lợi ích hữu hình mà chúng mang lại.
Ở đây, ta cần hiểu rõ một điều. Ngày nay, chúng ta xem chó mèo như những người bạn nhỏ trong gia đình, ta nuôi chúng vì yêu mến vẻ đáng yêu, dễ thương của chúng. Nhưng thời xưa, mối quan hệ giữa người và vật nuôi lại mang tính thực dụng hơn nhiều. Mèo để bắt chuột, chó để giữ nhà, canh gia súc khỏi thú dữ. Thậm chí, ở các làng quê xưa, chó thường không được nuôi trong nhà, một phần vì sợ chúng ăn vụng, phần khác vì chúng hữu ích hơn khi ở ngoài sân để làm nhiệm vụ canh gác. Lối sống của người nông dân khi xưa đã sắp đặt nhiệm vụ cho vật nuôi một cách rất hợp lý và thực tế.
Thái độ của người Kitô hữu với vạn vật
Cha giải thích như trên cũng đã phần nào trả lời câu hỏi của con, nhưng vẫn chưa trọn vẹn. Vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở lý do tại sao chó không được vào nhà thờ, mà còn ở cách chúng ta, với tư cách là người Kitô hữu, nên đối xử với động vật.
Sự phân chia "thanh sạch" và "ô uế" trong Cựu Ước không hề mang ý nghĩa rằng loài này tốt, loài kia xấu. Ta không thể nói rằng một con mèo tốt hơn một con chó, một con chó tốt hơn một con gà, một con gà tốt hơn một con vẹt, v.v.
“Vạn vật được Chúa tạo ra vì chúng ta, được ban cho ta không chỉ để phục vụ lợi ích thực tế, mà còn để ta học cách yêu thương.”
Điều này đặc biệt có ý nghĩa với trẻ nhỏ. Khi chăm sóc một sinh vật bé nhỏ, tâm hồn con người ta được bồi đắp. Ta học được cách sẻ chia, thấu cảm và hiểu ra ý nghĩa của trách nhiệm đối với một sinh mệnh phụ thuộc vào mình.
Cạm bẫy của tình yêu thương đặt sai chỗ
Thế nhưng, tình yêu thương thú cưng sẽ là một mối nguy hiểm tiềm ẩn nếu ta mù quáng. Đáng buồn thay, đôi khi người ta lại dồn hết tình yêu thương cho thú cưng mà không còn giữ lại chút nào cho đồng loại. Cha từng đọc về những tên lính canh trong trại tập trung của Đức Quốc xã, họ có thể rất mực yêu thương chó cưng của mình, nhưng lại chính tay thả những con chó đó ra để tấn công tù nhân - đồng loại của họ. Hay như thời đại nông nô ở Nga, có những địa chủ hết mực cưng chiều bầy chó săn nhưng lại tàn nhẫn vô cùng với người nông nô, thậm chí có thể thả chó cắn chết họ. Trường hợp quái dị như vậy đã được Dostoevsky đề cập trong tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazov" của ông. Và thậm chí ngày nay vẫn có những người rất yêu chó hoặc mèo của họ, nhưng lại hoàn toàn thờ ơ với người thân, hàng xóm, đồng nghiệp, v.v.
Yêu thương một con vật, xét cho cùng, lại dễ dàng hơn yêu thương một con người rất nhiều. Con vật không thể cãi lại, không thể đưa ra những lời phán xét khó chịu, không có ý kiến riêng trái ngược với ta. Bởi vật nuôi hoàn toàn phụ thuộc và nằm trong sự kiểm soát của ta. Nhưng với một con người thì khác. Yêu thương một con người là chấp nhận họ một cách trọn vẹn, với cả những thiếu sót, những nét tính cách đôi khi làm ta phiền lòng, và điều quan trọng là cách ta đối xử với nhau không phải bằng sự kiểm soát như thú cưng của mình, mà là cần nhìn nhận con người như một cá thể tự do, và cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với họ trước mặt Chúa.
Vậy nên các con hãy yêu thương động vật, nhưng hãy yêu thương một cách đúng đắn, đừng để tình yêu đó làm tổn hại đến tình yêu dành cho con người. Cuộc sống của chúng ta không thể chỉ xoay quanh một chú chó hay một cô mèo nhỏ. Chúng ta cần chúng, nhưng những người thân yêu, và cả Thiên Chúa, cũng cần chúng ta. Khi ta học được cách yêu thương Chúa và tha nhân một cách chân thành, tự khắc ta cũng sẽ biết cách mang lại cuộc sống tốt đẹp cho những sinh vật bé nhỏ xung quanh mình.”
- Chúng ta sống để học cách yêu thương, và học cách đón nhận yêu thương.
Lược dịch từ ấn phẩm “Tại sao chó không được phép vào nhà thờ, nhưng mèo thì được?” - Tác giả Vitaly Kaplan, Tạp chí Chính thống giáo Foma.ru
Album Mèo và Tu viện, Nhiếp ảnh gia Ilya Garbuzov | https://blog.garbuzov-photo.ru/



